Di sản và hình ảnh trong văn hóa Lê_Thái_Tổ

Đền thờ Lê Lợi ở làng Mỹ Cát, xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương.Tượng đài Lê Lợi tại Thành phố Thanh Hóa.Tượng đài Lê Lợi tại bùng binh Cây Gõ, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn thảo, nội dung tóm tắt về tiểu sử Lê Lợi và cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, tại Vĩnh Lăng, Thanh Hóa.Hình tượng nhà vua được dân gian đưa vào nghệ thuật múa rối nước.

Lê Lợi là vị vua có công đánh đuổi quân Minh, chấm dứt 20 năm Bắc thuộc lần thứ tư và sáng lập vương triều Lê, triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Sau thời kỳ độc lập hơn 400 năm kể từ thế kỷ X, Đại Việt có nguy cơ trở lại thành quận huyện của Trung Hoa. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đã chấm dứt 20 năm cai trị của Nhà Minh tại Đại Việt.[163] Bởi công lao đó của ông nên đời sau còn nhớ Nhà Lê khi bị Nhà Mạc cướp ngôi và đó là một nguyên nhân khiến Nhà Lê có thể trung hưng (1533). Thậm chí ngay cả khi con cháu triều Lê không còn nắm được thực quyền thì trên danh nghĩa vẫn là người đứng đầu thiên hạ. Chúa Trịnh làm phụ chính nhiều đời nhưng vẫn không dám cướp ngôi Nhà Lê cũng bởi sợ dư luận còn nhớ công lao giành lại độc lập cho đất nước của Nhà Lê.[164] Về cai trị, ông cũng là người thiết lập lại trật tự, quy củ của chế độ quân chủ các triều đại Lý, Trần trước đây mà các thế hệ vua sau tiếp tục củng cố, phát triển cao hơn nữa.[163]

Theo Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Tường người Đài Loan, khi quân Minh xâm lược Đại Ngu, đã có 64 cuộc khởi nghĩa của người Việt nhằm chống lại sự cai trị trong thời gian (1407-1424). Quân đội nhà Minh đã dùng các biện pháp khủng khiếp nhằm đàn áp sự phản kháng đó. Quân Minh đã đến quê hương của Lộ Văn Luật, người đã khởi binh chống lại, lùa dân vào hang động Phật Tích, A Sầm rồi đem nhà cửa đến trước cửa hang hun khói đốt, khiến cho không ai sống sót. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Phụ đi đến đâu là giết hại, hoặc thây chất thành núi, hoặc moi ruột quấn vào gốc cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò chơi, thậm chí có kẻ mổ bụng moi gan cắt lấy hai đầu để ứng lệnh.[165] Quân Minh đã tàn sát dân Việt tới mức phạm tội diệt chủng - tội ác ở tầm nhân loại. Nhờ có Lê Lợi mà nước Việt đã không bị biến mất trên bản đồ thế giới, hưởng nền độc lập tự chủ 360 năm cho tới năm Kỉ Dậu (1789) khi nhà Thanh sang xâm phạm. Về sau khi tìm cách chống lại sự đô hộ của người Pháp, những người chủ trương phục quốc như Phan Bội Châu coi Lê Lợi như là hình mẫu anh hùng khôi phục quốc gia, ông cho rằng đó là hình ảnh chói lọi của vị tổ Trung hưng thứ hai sau Ngô Quyền.[166]

Trường Chinh, nhân vật vạch ra chiến lược cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã viết tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi, trong đó ông coi Khởi nghĩa Lam Sơn là hình mẫu của cuộc kháng chiến trường kì của nhân dân Việt Nam trước PhápHoa Kỳ:

Muốn đạt được những kết quả ấy, phải đánh lâu, phải có thời gian. Thời gian làm việc cho ta, thời gian là thầy chiến lược của ta, nếu dân ta quyết tâm kháng chiến bền bỉ. Đời nhà Trần nhân dân trước sau ba lần kháng chiến mất hơn 31 năm mới chiến thắng quân Nguyên hung hãn. Đời nhà Hậu Lê (khởi nghĩa Lam Sơn) dân tộc ta kháng chiến 10 năm mới đuổi được quân Minh bạo tàn,...
— Trường Chinh[167]

Hồ Chí Minh trong Việt Nam quốc sử diễn ca viết:

Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn,

Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn.

Mấy phen sông Nhị núi Lam,

Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.

Kìa Túy Động nọ Chi Lăng,

Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành.

Mười năm sự nghiệp hoàn thành,

Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan.

Vì dân hăng hái kết đoàn,

Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.[168]

Lê Lợi sau khi chết được lập đền thờ rộng rãi ở nhiều nơi, như đền thờ làng Mỹ Xá, xã Minh Tân, Nam Sách, Hải Dương; đền thờ Lê Lợi ở làng Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa; đền thờ Lê Lợi ở phường Đoàn Kết, Thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Tên ông cũng được đặt cho các tên đường, phố, trường học ở Việt Nam.[169]

Những điểm giống với Hán Cao Tổ

Giữa Vua Lê Thái Tổ của Việt Nam và Vua Hán Cao Tổ của Trung Quốc có những điểm tương đồng trong thân thế, cuộc đời sự nghiệp bản thân và sự nghiệp của hậu duệ:[170]

  • Một bài báo trên mạng viết rằng cả Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ đều xuất thân từ gia đình nông dân và là con thứ ba trong nhà. Trên Lê Lợi có Lê Học, Lê Trừ còn trên Lưu Bang có Lưu Bá, Lưu Trọng.[171][172][173] Tuy nhiên các sách sử đều viết rằng Lê Lợi xuất thân từ gia đình "đời đời làm quân trưởng một phương" chứ không xuất thân từ gia đình nông dân.[174][175]
  • Cuộc khởi nghĩa của cả hai vị vua đều gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu tiên, phải thường xuyên lẩn trốn sự truy kích của kẻ thù, thậm chí có những lúc rơi vào tính thế hiểm nghèo. Đây cũng là tình hình chung của rất nhiều cuộc khởi nghĩa.[176][177][178][179]
  • Cả hai vị vua đều thoát chết nhờ thuộc hạ tình nguyện hy sinh cứu chủ. Khi bị Hạng Vũ vây ở Huỳnh Dương, Lưu Bang đã phải nhờ Kỷ Tín ra hàng và bị Hạng Vũ giết. Lê Lợi bị quân Minh vây ở núi Chí Linh cũng phải nhờ Lê Lai theo gương Kỷ Tín để thoát nạn. Lê Lai cũng bị quân Minh giết.[180][181][182][183]
  • Sau khi lên ngôi, hai vị hoàng đế đều giết công thần khai quốc.[184] Lưu Bang cùng Lữ Hậu giết và tru di tam tộc các công thần như Hàn Tín, Bành Việt; Lê Lợi chỉ giết Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn tự sát, Lê Lợi cũng không giết con cháu của họ.[185][186][187]
  • Sau khi qua đời, cả Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ đều được đặt chữ "Cao".[188] Lưu Bang là (Cao Tổ) Cao Hoàng đế, Lê Lợi là (Thái Tổ) Cao Hoàng đế.[189][190][191] Trong lịch sử Trung QuốcViệt Nam có rất nhiều vị vua được đặt chữ "Cao" chứ không phải chỉ có hai vị này.[192][193]
  • Về sau, cơ nghiệp của hai vị vua đều bị họ khác cướp ngôi. Nhà Hánnhà Lê đều bị gián đoạn một thời gian, nhưng rồi lại phục hồi.[194][195] Nhà Tây Hán bị Vương Mãng cướp ngôi (lập nhà Tân), nhưng sau đó được nhà Đông Hán kế tục. Nhà Lê sơ bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi (lập Nhà Mạc), rồi sau đó được Nhà Lê Trung hưng kế tục.[196][197] Tuy nhiên trừ 2 vị vua đầu, các vị vua còn lại của Nhà Lê Trung hưng không phải là hậu duệ trực hệ của Lê Lợi (mà là hậu duệ của Lê Trừ, anh trai Lê Lợi). Các vua Lê trung hưng cũng bị chúa Trịnh khống chế, không có thực quyền như các vua thời Lê sơ.[198][199]

Khi ngự phê sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vua Tự Đức Nhà Nguyễn cũng đánh giá Lê Lợi "mở được nền chính thống nghìn năm, thật đáng là bậc nối gót Hán Cao Tổ".[200] Sử quan Nhà Nguyễn trong lời cẩn án dưới lời phê của Tự Đức còn nêu thêm một điểm giống nhau nữa giữa Lê Thái Tổ và Hán Cao Tổ: hai người cùng dấy binh nổi lên với một thanh kiếm.[201]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lê_Thái_Tổ http://www.bbc.com/vietnamese/regionalnews/story/2... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/333359 http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://www.idref.fr/083818103 http://id.loc.gov/authorities/names/n90659665 http://d-nb.info/gnd/132208482 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000054903505